Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam

Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam: Việt Nam mở cửa nền kinh tế, trong đó có ngành du lịch, sớm so các nước khác khi vẫn còn đang dịch Covid-19. Đây là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, trong khi thị trường du lịch nội địa phục hồi mạnh, thì thị trường khách du lịch quốc tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn, cần có giải pháp mạnh mẽ để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.

Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam
Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm tê liệt hoạt động du lịch toàn cầu. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, lĩnh vực du lịch đã trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử và phải mất 2-4 năm mới có thể lấy lại đà tăng trưởng bằng mức trước dịch. Đối với Việt Nam, ngành du lịch cũng chưa bao giờ chịu thiệt hại nặng nề như cuộc khủng hoảng lần này (Chính phủ, 2022).

Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam

Trước tác động nặng nề đó, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, ban hành nhiều chính sách để ngành du lịch sớm phục hồi, tăng cường thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài. Các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp du lịch cũng tích cực phối hợp, đồng bộ triển khai các biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho các doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch và các lĩnh vực liên quan. Nhờ đó, hoạt động du lịch nói chung và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nói riêng đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Mặc dù vậy, du lịch Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đòi hỏi phải có tư duy đổi mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới để phát triển ngành du lịch, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn nữa.

TIỀM NĂNG CỦA DU LỊCH VIỆT NAM

Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống giao thông tương đối đồng bộ và đang phát triển theo hướng liên kết nội tỉnh, liên tỉnh, nội vùng, liên vùng và mở rộng kết nối quốc tế; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, là dư địa lớn để phát triển nhân lực du lịch.

Việt Nam cũng sở hữu thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú về cả biển, núi, rừng và sông (đường bờ biển trải dài hơn 3,2 nghìn km với nhiều bãi biển đẹp; hệ thống sông ngòi dày đặc, nhiều sông lớn; nhiều hang động, đặc biệt Hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới; 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới…).

Đặc biệt, Việt Nam có 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới (Vịnh Hạ Long); 3 di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, quần thể danh thắng Tràng An); 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 33 vườn quốc gia; 117 bảo tàng; gần 8.000 lễ hội. Âm nhạc dân gian có truyền thống lâu đời và vô cùng đặc sắc. Ẩm thực đa dạng, độc đáo, hương vị phong phú tại tất cả các địa phương. Mặt bằng giá cả thấp hơn so với nhiều nước (Hà Văn, 2023).

Về văn hóa, lịch sử, Việt Nam có 54 dân tộc với những nét văn hóa đặc trưng, phong phú, đặc sắc riêng, hòa quyện thành một dân tộc Việt Nam có nhiều giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử quý báu-yêu nước, yêu chuộng hòa bình, hiền hậu, mến khách, đoàn kết, cần cù, chăm chỉ, linh hoạt, sáng tạo, khát khao làm giàu cho quê hương đất nước.

Nhờ đó, nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách quốc tế và nhận được nhiều bình chọn, giải thưởng lớn về du lịch. Trong đó, giải thưởng “Travelers Choice Best of the Best 2023” của Tripadvisor do du khách khắp thế giới bình chọn đã vinh danh 3 điểm đến của Việt Nam là Hà Nội, Hội An, TP. Hồ Chí Minh. Thủ đô Hà Nội đứng ở vị trí 17/25 điểm đến nổi tiếng nhất thế giới (Popular Destinations) năm 2023. Đáng chú ý, Hà Nội đứng thứ 3/20, chỉ xếp sau Rome (Italia) và Crete (Hy Lạp) trong 20 điểm đến ẩm thực tốt nhất thế giới (Best Food Destinations) của Tripadvisor năm 2023. Trong danh sách 25 điểm đến xu hướng 2023 (Trending Destinations) do du khách bình chọn, đô thị cổ Hội An và TP. Hồ Chí Minh cũng được vinh danh, lần lượt xếp thứ 2 và 11.

Năm 2022, Việt Nam cũng được Giải thưởng du lịch thế giới – World Travel Awards 2022 vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”. Hà Nội được trao giải “Thành phố hàng đầu thế giới” cho các kỳ nghỉ ngắn, Phú Quốc được giải “Điểm đến đảo hàng đầu thế giới”, Tam Đảo là “Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới”, Mộc Châu là “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới”. Đặc biệt, Việt Nam được trao giải “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2022” (Thu Phương, 2023). Các giải thưởng đạt được thể hiện sự yêu mến, công nhận và tôn vinh của cộng đồng quốc tế đối với sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

THỰC TRẠNG THU HÚT KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ

Cụ thể hóa các quan điểm của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trên cơ sở khai thác các thế mạnh về văn hóa, di sản, ẩm thực…, ngành du lịch Việt Nam đã có bước phát triển rõ rệt. Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam là ngành chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất. Năm 2020, lượng khách quốc tế giảm tới 80%, tổng thu từ khách du lịch giảm đến 59% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2021, lượng khách quốc tế giảm gần 96%, tổng thu từ du lịch giảm sâu.

Trước tình hình đó, để thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành. Cụ thể, từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã mở cửa du lịch, trước nhiều nước trong khu vực, đồng thời khôi phục chính sách miễn thị thực nhập cảnh; không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, dừng việc khai báo y tế với Covid-19 đối với người nhập cảnh từ ngày 27/4/2022, không phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh từ ngày 15/5/2022; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam với các hình thức phong phú, đa dạng, nhất là trên các nền tảng số… Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch, đồng thời là một trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến dịch Covid-19.

Về hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, ngành du lịch đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội du lịch tổ chức nhiều sự kiện nhằm phát động, công bố mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới và truyền thông thông điệp “Sống trọn vẹn tại Việt Nam” trong giai đoạn mở cửa thị trường. Bên cạnh đó, lồng ghép triển khai các hoạt động, xúc tiến quảng bá du lịch gắn với các sự kiện quan trọng, quy mô khu vực và quốc tế như SEA Games 31; Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2022; Liên hoan Âm nhạc quốc tế ASEAN 2022; Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội năm 2022… Tổ chức Tuần văn hóa và Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc; Nhật Bản; Ấn Độ… Tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Tổ chức chương trình truyền thông du lịch Việt Nam trên nền tảng số YouTube “Việt Nam: Đi để yêu!” với 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được các địa phương quan tâm tổ chức như: Du lịch Hà Nội chào 2022; Tuần lễ Du lịch TP. Hồ Chí Minh; Quảng Ninh tổ chức Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á lần thứ 17; TP. Đà Nẵng tổ chức Hội chợ du lịch trực tuyến; Quảng Nam tổ chức Lễ khai mạc Festival Cù lao Chàm…

Hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch được thúc đẩy, tiêu biểu như giữa TP. Hồ Chí Minh với Đồng bằng sông Cửu Long, với các tỉnh Bắc Trung Bộ; TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội và vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; Hà Nội với 6 tỉnh Việt Bắc…

Nhờ đó, theo Tổng cục Thống kê, thị trường du lịch năm 2022 đã dần khôi phục trở lại, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với cùng kỳ. Về chỉ số phục hồi du lịch năm 2022 so với năm 2019, Việt Nam đạt 18,1%, đứng thứ 7 trong khu vực ASEAN, xếp sau Singapore (31%); Malaysia (27,5%); Campuchia (26,3%); Indonesia (22,9%); Philippines (22,1%); Thái Lan (22%).

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa – lịch sử. Sau đại dịch, du lịch Việt Nam mở cửa sớm, nhưng lượng khách du lịch quốc tế chưa đạt kỳ vọng. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2022 chỉ đạt 3,5 triệu lượt, tương đương 70% so với chỉ tiêu đặt ra (Tổng cục Thống kê, 2022). Nguyên nhân là do, Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, ngành du lịch đang chuyển đổi, đang phát triển nên chất lượng còn hạn chế, chủ yếu cung cấp các sản phẩm dịch vụ chúng ta có mà chưa chú trọng đáp ứng sản phẩm, dịch vụ mà du khách cần.

Sự kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch để giản tiện cho khách du lịch chưa thật sự chặt chẽ. Mức chi tiêu của khách du lịch hằng năm tăng chậm; khách du lịch chủ yếu chi tiêu cho các dịch vụ cơ bản (ăn uống, đi lại, lưu trú). Thủ tục xuất – nhập cảnh, lưu trú, y tế… còn bất cập.

Việc hoạch định chiến lược về thị trường, đối tác còn hạn chế, chưa kịp thời điều chỉnh trước những biến động của tình hình du lịch thế giới, khu vực. Công tác quản lý du lịch chưa chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, còn nhiều vấn đề về công khai, minh mạch, bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh, môi trường… liên kết trong phát triển sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực, liên kết trong hoạt động quản lý, đầu tư phát triển du lịch… chưa thực sự được quan tâm. Hình thức hợp tác công-tư chưa được vận dụng hiệu quả.

Hệ thống hạ tầng, dịch vụ công cộng, thông tin chỉ dẫn du lịch chưa đáp ứng nhu cầu. Chuyển đổi số trong du lịch chưa mạnh mẽ; chưa xây dựng, đồng bộ hóa và liên thông cơ sở dữ liệu giữa Trung ương với địa phương, giữa ngành du lịch với các ngành khác.

Đổi mới trong tư duy, xây dựng hành lang pháp lý, tổ chức thực hiện du lịch chưa có sự đột phá. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch còn hạn chế. Chưa có nhiều sáng tạo, chủ yếu khai thác những điều kiện tự nhiên sẵn có. Các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc riêng có chưa được phát huy tối đa để biến thành nguồn lực.

Trong thời gian vừa qua, hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19; xung đột quân sự Nga – Ukraine tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam – Nga… điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường khách nước ngoài đến Việt Nam.

Bên cạnh đó là sự cạnh tranh ngày càng lớn của các quốc gia trong khu vực. Nhiều nước trong khu vực tạo điều kiện dễ dàng và hấp dẫn để khách quốc tế nhập cảnh bằng việc miễn thị thực cho khách quốc tế: Malaysia, Singapore miễn thị thực cho 162 quốc gia; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia; Thái Lan miễn thị thực cho 65 quốc gia trong khi Việt Nam mới đang miễn thị thực cho 24 quốc gia. Hơn nữa, thời gian miễn thị thực của nhiều nước ASEAN kéo dài từ 30 ngày đế 45 ngày, thậm chí là 90 ngày. Đơn cử, Thái Lan triển khai chương trình mở cửa với Thị thực Du lịch Đặc biệt Thái Lan (STV) dành cho khách lưu trú dài ngày, thời gian lưu trú lên đến 90 ngày… Trong khi ở Việt Nam, thời hạn miễn thị thực 15 ngày là rất ngắn so với các quốc gia trong ASEAN, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các thị trường xa như châu Âu, thường đi du lịch 3-4 tuần.

Mặt khác, việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài để chủ động nghiên cứu, định hướng thị trường, hỗ trợ kết nối, trực tiếp xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế còn hạn chế. Chưa có một văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Trong khi đó, Thái Lan có tới 29 văn phòng đại diện du lịch ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Tương tự hiện Malaysia có 35 văn phòng, Singapore có 23 văn phòng và Hàn Quốc có 31 văn phòng du lịch tại nước ngoài.

Hiện Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD cho công tác xúc tiến du lịch, chỉ bằng 2,9% ngân sách chi cho quảng bá du lịch của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% chi phí mà Malaysia đã bỏ ra trong việc tiếp thị du lịch quốc gia. Do thiếu kinh phí nên cả năm 2022, Việt Nam chỉ có một đợt xúc tiến quảng bá tại nước Anh (Lê Nam, 2023).

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Để tạo sự phát triển đột phá trong thu hút khách du lịch quốc tế, thời gian tới, cần quan tâm thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam.

Điều quan trọng là, cần sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Theo đó, Việt Nam cần mở rộng thêm các quốc gia trong danh sách miễn thị thực, đặc biệt là các nước phát triển, có thu nhập cao, ổn định chính trị, giao thông thuận tiện tới Việt Nam. Cần tăng thời gian miễn thị thực cho du khách, nhất là các nước châu Âu có thị thực thấp 15 ngày, nhưng lại có thời gian di chuyển dài, tránh tình trạng khách đến hạn visa phải quay về, dẫn đến giảm mức cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu cho khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có sự thay đổi về chính sách visa, thủ tục hành chính, cải cách phần mềm, giao diện, tên miền, thời gian giải quyết và truyền thông rộng rãi về chính sách visa của Việt Nam.

Thứ hai, ngành du lịch cần sớm triển khai kế hoạch quảng bá quốc tế quy mô lớn mang tính chuyên nghiệp với ngân sách tương ứng. Liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp lữ hành, hàng không, khách sạn quảng bá, kích cầu dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường vai trò các cơ quan đối ngoại đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, vì đây là kênh xúc tiến du lịch, thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam tại nước ngoài. Các cơ quan này cần phối hợp hỗ trợ giới thiệu, tổ chức các hoạt động xúc tiến trực tiếp và kết nối lại doanh nghiệp; nghiên cứu chính sách du lịch của các nước cạnh tranh trong khu vực để có sự điều chỉnh hợp lý trong hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông du lịch.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, đặc biệt là trong xúc tiến quảng bá du lịch thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Thứ ba, mở rộng việc thiết lập các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ là thị trường nguồn khách du lịch của Việt Nam. Nâng cấp các đầu mối kết nối hàng không, đường bộ, đường biển; cải thiện dịch vụ vận tải nói chung.

Thứ tư, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như: du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE); du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe… Củng cố cơ sở vật chất phục vụ các yêu cầu chuyên biệt của một số nhóm khách đang là thị trường tiềm năng như khách đạo Hồi, đạo Hindu, khách ăn chay…

Tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch vùng; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên vùng; thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nhân lực du lịch vùng.

Xây dựng mô hình liên kết điểm, trong đó có thể tạo liên kết giữa nhóm địa phương có nhu cầu, thuận lợi liên kết; mời các cơ quan quản lý nhà nước tham gia điều phối, đồng hành, tạo kết nối để triển khai các chương trình liên kết; có sự tham gia của doanh nghiệp lớn, tạo nguồn lực triển khai các chương trình, hoạt động liên kết cụ thể.

Thứ năm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực du lịch đã thôi việc, chuyển việc sau dịch Covid-19 quay trở lại; tập trung đào tạo tại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ (tiếng Anh) của đội ngũ nhân lực ngành du lịch, sẵn sàng phục vụ du khách. Mặt khác, xây dựng kế hoạch đào tạo bổ sung mới đảm bảo đủ nguồn nhân lực thiếu hụt do việc chuyển việc, thôi việc thời gian vừa qua; chú trọng ưu tiên tuyển dụng, đào tạo nhân sự là người dân địa phương.

Tăng cường liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo trong đào tạo nhân lực du lịch, chú trọng đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề du lịch cũng như hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số cho người lao động. Thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực du lịch giữa các địa phương trong cùng khu vực, giữa doanh nghiệp du lịch và các cơ sở đào tạo, hợp tác với các tổ chức quốc tế./.

ThS. Trần Thị Mỹ Linh

Khoa Quản trị kinh doanh – Học viện Chính sách và Phát triển

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 16 – tháng 6/2023)

Bài viết liên quan