Vì sao Việt Nam tụt hạng chỉ số cạnh tranh du lịch? Chuỗi cung ứng dịch vụ kết nối lỏng lẻo, hạ tầng đang “mạnh ai nấy làm” là một số điểm yếu khiến du lịch Việt tụt hạng về chỉ số cạnh tranh.
Theo báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hồi cuối tháng 5, chỉ số Phát triển du lịch & lữ hành (TTDI) của Việt Nam xếp thứ 59, giảm 7 bậc so với năm 2022. Tổng điểm Việt Nam đạt được là 3,96 trên 7, giảm 0,14% so với tổng điểm 4,1 của lần xếp hạng trước đó.
CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt “cảm thấy buồn” khi du lịch Việt Nam có nhiều nỗ lực phát triển nhưng vẫn tụt hạng. Ông Đạt cho biết nhiều chuyên gia nhận xét bảng xếp hạng năm nay “đánh giá chưa chính xác” về năng lực của ngành.
Theo WEF, các dữ liệu phần lớn đều dựa trên số liệu tổng kết cuối năm ngoái. Trong khi đó, nhiều chính sách của Việt Nam như nới lỏng visa mới bắt đầu thực hiện từ tháng 8/2023. Để có được kết quả rõ ràng về lợi ích của chính sách mang lại, Việt Nam cần có thêm thời gian vì không phải mọi chính sách đều hiệu quả ngay lập tức. Nhiều chỉ số có thể chưa phản ánh đúng năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, khiến ngành “chịu thiệt”.
Khách du lịch bằng tàu hỏa hồi tháng 4 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
PGS Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học – Đại học KHXHNV Hà Nội, nói nhiều nước ở Đông Nam Á đều tụt hạng, không riêng Việt Nam.
Singapore năm 2022 xếp thứ 9 trên tổng 117 quốc gia, vùng lãnh thổ còn năm nay xếp thứ 13, tụt 4 bậc. Thái Lan tụt 11 bậc, từ vị trí thứ 36 của năm 2022 xuống thứ 47 trong năm nay. Campuchia tụt nhiều nhất với 16 bậc, từ 69 xuống 85. 4 nước tăng gồm Malaysia tăng 3 bậc xếp thứ 35, Indonesia tăng 10 bậc lên vị trí 22, Philippinnes tăng 6 bậc lên thứ hạng 69 và Lào tăng 2 bậc lên 91. Các quốc gia khác trong khối ASEAN không được cập nhật.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng ngành du lịch Việt vẫn còn nhiều điểm yếu so với các nước khác như tính bền vững, cơ sở hạ tầng và dịch vụ, dẫn đến tụt hạng.
“Sau đại dịch, nhiều nước có chính sách ưu tiên phát triển du lịch sớm hoặc mạnh hơn Việt Nam”, ông Long chỉ ra một trong những nguyên nhân có thể khiến Việt Nam bị chấm điểm thấp.
TTDI 2024 xếp hạng 119 quốc gia, vùng lãnh thổ. Điểm số được cấu thành từ 102 chỉ số riêng lẻ nằm trong 17 chỉ số trụ cột. 17 hạng mục này được phân đều vào 5 nhóm lớn: môi trường thuận lợi; chính sách và tạo điều kiện cho du lịch hoạt động; cơ sở hạ tầng và dịch vụ; tài nguyên du lịch và lữ hành; tính bền vững.
Trong 5 nhóm lớn có 4 nhóm Việt Nam bị tụt hạng và một nhóm thăng hạng là môi trường thuận lợi, tăng một bậc từ 60 lên 59. Nhóm tụt hạng nhiều nhất là chính sách và tạo điều kiện cho du lịch hoạt động – 7 bậc, từ 57 xuống 64. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ từ 57 xuống 62. Tài nguyên giảm từ vị trí 24 xuống 26, tính bền vững xếp thứ 116, giảm hai bậc.
Tiêu chí xếp hạng của WEF có nhiều thay đổi so với những năm trước, bám sát hơn các vấn đề phát triển bền vững, bình đẳng giới, thu nhập cao mà Liên Hợp Quốc quan tâm hiện nay. WEF cũng đổi tên nhóm cơ sở hạ tầng thành “cơ sở hạ tầng và dịch vụ” giúp việc đánh giá tổng thể ngành rộng và sâu hơn.
Ông Long nhận định hạ tầng Việt Nam những năm gần đây thay đổi tích cực ở hạng mục đường sắt và bộ, nhiều tuyến cao tốc được mở như đoạn TP HCM – Mũi Né hoặc đường đẹp, rút ngắn thời gian di chuyển như Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng. Nhưng đây chỉ là những chặng ngắn. Khách muốn đi xa hơn sẽ phải bay. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tại các sân bay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất vẫn đang quá tải và còn nhiều bất cập. Đó cũng là một trong những lý do khiến xếp hạng cơ sở hạ tầng vận tải hàng không (nằm trong nhóm Cơ sở hạ tầng và dịch vụ) năm nay giảm mạnh.
Singapore đang làm rất tốt cơ sở hạ tầng khi chỉ số hạ tầng vận tải hàng không xếp thứ 4 toàn thế giới, sau UAE, Mỹ, Tây Ban Nha. Sân bay Changi liên tục được nâng cấp cơ sở hạ tầng. Một trong những dịch vụ mới nhất là cửa xuất nhập cảnh tự động được áp dụng tại toàn bộ 4 nhà ga ở Changi giúp du khách xuất nhập cảnh chỉ mất khoảng một phút để thực hiện mọi thao tác.
Ông Long cũng chỉ ra phần dịch vụ của du lịch của Việt Nam (trong mục chính Cơ sở hạ tầng và dịch vụ) cũng cần nâng cấp khi chuỗi cung ứng dịch vụ và kết nối vẫn còn lỏng lẻo.
Tính kết nối tốt trong cách làm dịch vụ của Thái Lan được thể hiện qua giá tour rẻ. Thái Lan làm du lịch là cả nước cùng làm, không riêng ngành du lịch. Do đó chuỗi cung ứng mạnh, thậm chí tại một số mắt xích chấp nhận chịu lỗ nhưng đổi lại tổng thể đều lãi. Trong khi đó tại Việt Nam, hạ tầng dịch vụ vẫn đang “mạnh ai nấy làm”, theo nhận xét của CEO Lux Group Phạm Hà.
Phát triển du lịch bền vững (nằm trong chỉ số Tính bền vững trong du lịch & lữ hành) cũng là điểm chưa mạnh của Việt Nam, theo ông Hà. Nhiều điểm đến xây dựng tràn lan làm xấu cho chính vùng đất đó, mất đi cảnh quan tự nhiên ban đầu. Bê tông hóa hoặc hiện đại hóa các điểm du lịch có thể hưởng lợi về mặt du lịch đại chúng nhưng lại khiến khách quốc tế, nhóm chi tiêu nhiều, thấy nhàm chán và không quay lại hoặc không muốn đến. Trong khi đó, tại Thái Lan, khi muốn quy hoạch khu vực nào chính phủ đều ưu tiên phát triển du lịch trước.
4 chỉ số tăng hạng trong năm nay của Việt Nam là giá cả cạnh tranh từ 20 lên 16 và độ mở quốc tế từ 82 lên 80, hạ tầng dịch vụ du khách từ 84 lên 80, năng lực công nghệ thông tin từ 60 lên 57. Ngoài ra, các chỉ số khác đạt thứ hạng cao (top 40) là an ninh an toàn hạng 23, chỉ số tài nguyên thiên nhiên hạng 26, tài nguyên văn hóa hạng 28, tài nguyên khác ngoài giải trí-nghỉ dưỡng hạng 38.
CEO Phạm Hà cho rằng có 4 tiêu chí chính để du lịch của một nước thu hút khách đến: cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực, văn hóa và con người. Sau dịch, mọi người quan tâm đến vấn đề an ninh – an toàn hơn. Việt Nam có đủ các tiêu chí khách cần. Do đó, để ngành du lịch có thể tăng mức độ cạnh tranh cũng như thứ hạng trong bảng xếp hạng của WEF, Việt Nam cần định hình lại chiến lược quảng bá du lịch quốc gia. Một trong số đó là trở thành điểm đến cao cấp trong mắt khách quốc tế, người dân thân thiện hiếu khách, không lừa đảo hay chặt chém để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Giá cả cạnh tranh cũng là một điểm mạnh để thu hút du khách. Nhưng thay vì giảm giá, Việt Nam nên tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ để khách cảm thấy đồng tiền mình bỏ ra xứng đáng.
Việt Nam cũng có lợi thế về chỉ số tài nguyên thiên nhiên, xếp thứ 26 trên 119 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, ngành du lịch chưa khai thác đúng điểm mạnh này để nâng hạng.
“Chúng ta đang ăn mày di sản”, ông Hà nói.
Việt Nam có nhiều di sản được UNESCO công nhận nhưng hiện chỉ dẫn khách đến tham quan những thứ có sẵn trong thiên nhiên. Thay vào đó, ngành du lịch cần tạo ra các điểm nhấn, sản phẩm mới lạ, các câu chuyện phía sau di sản để kể cho khách. Khách quốc tế bị thu hút và ấn tượng với những sản phẩm này sẽ mong muốn quay lại để khám phá tiếp cũng như giới thiệu cho bạn bè, người thân.
Bảng xếp hạng năm 2024 được xây dựng dựa trên đánh giá tập trung vào sự sẵn sàng đối phó với các rủi ro trong tương lai của ngành du lịch các nước, tác động với kinh tế xã hội và môi trường cũng như là động lực cho sự thịnh vượng toàn cầu. WEF cho biết để đạt được khả năng kiểm soát tình hình, giới chức lãnh đạo ngành du lịch các nước cùng các bên liên quan cần chủ động định hình ngành phát triển toàn diện và bền vững hơn.
Để nâng hạng ngành du lịch PGS Long nói cần nhìn vào thực tế, “kém ở đâu thì cải thiện ở đó”, nhấn mạnh cần sự phối hợp, hỗ trợ của mọi ngành, nghề.
Theo: Phương Anh / vnexpress